MÔ HÌNH CHĂN NUÔI ĐÀ ĐIỂU SINH SẢN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

DỰ ÁN: “ỨNG DỤNG TIẾN BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG XÂY DỰNG MÔ HÌNH CHĂN NUÔI ĐÀ ĐIỂU SINH SẢN, THƯƠNG PHẨM MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG” đã được Trang Trại Đà Điểu Trung Kiên triển khai thực hiện từ tháng 8 năm 2020 theo Hợp đồng số 10/2020 NTMN.TW ký ngày 03 tháng 8 năm 2020 giữa Bộ Khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Hải Dương và Trang trại đà điểu Trung Kiên – Chi nhánh công ty TNHH Xây lắp và thương mại Trung Kiên.

  1. Mục tiêu chung:

Ứng dụng thành công tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển chăn nuôi đà điểu sinh sản và thương phẩm trên tại địa bàn tỉnh Hải Dương.

  1. Mục tiêu cụ thể:

2.1  Chuyển giao và làm chủ các quy trình kỹ thuật chăn nuôi đà điểu sinh sản, đà điểu thương phẩm và thú y phòng bệnh cho đà điểu tại địa bàn tỉnh Hải Dương.

 2.2) Xây dựng được 01 mô hình nuôi đà điểu sinh sản tại doanh nghiệp quy mô: 50 mái và 25 trống

2.3) Xây được 5 mô hình nuôi đà điểu thịt quy mô 350 con. (Trong đó 4 mô hình nuôi tại nông hộ tổng quy mô: 200 con; mô hình tập trung tại doanh nghiệp quy mô: 150 con)

2.4) Đào tạo được 7 kỹ thuật viên; Tập huấn cho 150 người dân thuộc vùng dự án hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi, thú y phòng bệnh, ấp nở trứng đà điểu sinh sản và thương phẩm.

  1. Thực hiện
  2. Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện dự án                       : 6.000.000.0000 đồng; Trong đó:

– Ngân sách sự nghiệp khoa học trung ương : 2.450.000.000 đồng

– Ngân sách địa phương                                 : –  đồng

– Nguồn khác (đối ứng của doanh nghiệp)     :3.550.000.000 đồng

  1. Kết quả thực hiện

2.1. Đào tạo kỹ thuật viên

Theo đề nghị của đơn vị chủ trì, đơn vị chuyển giao công nghệ tiến hành mở lớp đào tạo và cấp chứng chỉ cho 7 cán bộ, kỹ thuật viên của Trang trại đà điểu Trung Kiên. Các kỹ thuật viên nắm vững và làm chủ được các quy trình công nghệ chăn nuôi, thú y phòng bệnh, ấp nở trứng đà điểu sinh sản và thương phẩm. Thời gian đào tạo: từ  ngày 18 tháng 11 năm 2020 đến ngày 02 tháng 12 năm 2020 tại Trạm NCCN đà điểu Ba Vì, xã Vân Hòa, Huyện Ba Vì, Hà nội

2.2. Mở lớp tập huấn cho nông dân

Từ ngày 19/12/2020 đến ngày 21/12/2020, đơn vị chủ trì đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 150 người dân thuộc vùng dự án kỹ thuật chăn nuôi, thú y phòng bệnh, ấp nở trứng đà điểu sinh sản và thương phẩm tại Nhà văn hóa Xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang, Hải Dương.

2.3 Chuyển giao công nghệ

Thông qua hoạt động cử chuyên gia đến hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ thực hành ứng dụng các quy trình công nghệ vào sản xuất tại các mô hình cho cán bộ kỹ thuật và người dân tham gia dự án (từ công tác chọn giống, phối trộn thức ăn theo khẩu phần, chăm sóc nuôi dưỡng và công tác thú y phòng bệnh), Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã chuyển giao thành công 06 quy trình công nghệ cho Trang trại đà điểu Trung Kiên – Chi nhánh công ty TNHH Xây lắp và thương mại Trung Kiên ( Thời gian từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2023) bao gồm:

1) Quy trình kỹ thuật chăn nuôi đà điểu sinh sản.

2) Quy trình kỹ thuật chăn nuôi đà điểu thịt giai đoạn mới nở – 3 tháng tuổi

3) Quy trình kỹ thuật chăn nuôi đà điểu thịt giai đoạn 4 – 12 tháng tuổi

4) Quy trình kỹ thuật ấp trứng đà điểu

5) Quy trình thú y phòng bệnh cho đà điểu sinh sản

6) Quy trình thú y phòng bệnh cho đà điểu thịt.

2.4 Xây dựng mô hình chăn nuôi đà điểu sinh sản

Tháng 6/2021, doanh nghiệp đã tiến hành mua và tiếp nhận 111 con giống sinh sản 2 tháng tuổi (Trong đó Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100 con) để thực hiện mô hình và cho kết quả như sau:

  • Giai đoạn dò (2-12 tháng tuổi): tỷ lệ nuôi sống cả giai đoạn là 92%; tỷ lệ chọn lên hậu bị là 85%. Khối lượng cuối giai đoạn đạt trung bình khoảng 105kg/con
  • Giai đoạn hậu bị (13-24 tháng tuổi): tỷ lệ nuôi sống cả giai đoạn là 98%; tỷ lệ chọn lên đàn sinh sản là 90%; Khối lượng cuối giai đoạn đạt trung bình đạt 125kg/con
  • Giai đoạn sinh sản. (25-42 tháng tuổi), không có đà điểu nào bị chết (tỷ lệ nuôi sống đạt 100%). Kết thúc năm đẻ thứ nhất đàn đà điểu còn 56 con mái và 26 con trống (yêu cầu của dự án là 50 mái và 25 trống) khối lượng trung bình đạt: 140kg/con; Số trứng thu được toàn vụ là 685 quả trọng lượng từ 1,1kg – 1,4 kg, đủ tiêu chuẩn làm trứng giống, tỷ lệ có phôi đạt 62,9%; Tổng số đà điểu nở ra là 317 con, tỷ lệ nở đạt 81,7%; Số con non loại 1 tháng tuổi (sản phẩm của mô hình) là 236 con, đều cao hơn so với thuyết minh đề ra.

2.5 Xây dựng mô hình nuôi đà điểu thịt tại nông hộ quy mô 200 con (NSNN hỗ trợ 100 con).

Đơn vị chủ trì đã tiến hành mua và tiếp nhận 222 đà điểu giống thương phẩm 1 tháng tuổi và đã bàn giao cho 4 hộ dân để thực hiện mô hình nuôi đà điểu thịt tại các nông hộ gồm:

Số TT Đại diện mô hình hộ dân Quy mô thực hiện Số lượng bàn giao
Ngân sách hỗ trợ  Mua Đối ứng Tổng
1 Nguyễn Văn Câu 50 con 25 con 30 con 55 con
2 Nguyễn Thế Chính 60 con 30 con 37 con 67 con
3 Nguyễn Văn Hợp 30 con 15 con 18 con 33 con
4 Nguyễn Bá Riệp 60 con 30 con 37 con 67 con
Cộng 200 con 100 con 122 con 222 con

2.6 Xây dựng mô hình nuôi đà điêu thịt tại doanh nghiệp quy mô 150 con (NSNN hỗ trợ 50 con)

Đơn vị chủ trì đã mua và tiếp nhận 167 đà điểu giống thương phẩm 1 tháng tuổi (Trong đó

ngân sách nhà nước hỗ trợ 50 con) để thực hiện mô hình nuôi đà điểu thịt tại doanh nghiệp. Bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2022.

Kết thúc 12 tháng tuổi 1con đà điểu tiêu thụ hết khoảng 447,9 kg thức ăn tinh và 439,29 kg thức ăn xanh, tỷ lệ nuôi sống cao (92,5 – 95,5%) đạt và vượt yêu cầu của thuyết minh đề ra. Khối lượng đà điểu đến khi xuất bán (12 tháng tuổi) trung bình đạt >100kg. Kết quả mổ khảo sát cho thấy tỷ lệ thịt tinh đạt 30,51%. Giá thành 1 kg hơi khoảng 70.000 đồng/kg. Với giá bán 1 kg thịt hơi hiện nay là 83.000 đồng đã đem lại lợi nhuận thu về tiền lãi cho người chăn nuôi khoảng 1.600.000 – 1.700.000 đồng/con đà điểu. Như vậy với 1 mô hình nuôi đà điểu 30, 50, 60 con trong 12 tháng sẽ cho lãi tương đương khoảng 50.000.000 đồng, 85.000.00 đồng và 102.000.000đồng.

  1. Đánh giá chung

Với sự hỗ trợ kinh phí sự nghiệp khoa học trung ương để triển khai dự án trong thời gian 3,5 năm sẽ tạo ra mô hình chăn nuôi đà điểu sinh sản để chủ động sản xuất con giống chất lượng cao cho khu vực. Đồng thời tạo được các mô hình nuôi đà điểu thịt phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội trong vùng, khai thác các nguồn thức ăn tinh, xanh dồi dào sẵn có, giảm giá thành sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế; góp phần thúc đẩy chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi ở khu vực nông thôn miền núi.

Việc chuyển giao kỹ thuật xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế phát triển chăn nuôi đà điểu tại Hải Dương, đem lại thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi đà điểu bền vững và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường; là cơ sở để hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Mô hình có khả năng phát triển và nhân rộng ra sản xuất đại trà.

Rate this post